Website Bệnh viện hữu nghị

Viết bởi 

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ 56 NĂM - XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đã trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của cán bộ trung- cao cấp của Đảng và Nhà nước, uy tín và “thương hiệu” của Bệnh viện ngày càng được khẳng định. 56 năm-một chặng đường phấn đấu lâu dài, bền bỉ, vượt qua bao khó khăn, thách thức, đến nay Bệnh viện đã đạt được nhiều thành tích to lớn, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

bvhn

Tiền thân của Bệnh viện Hữu Nghị là bệnh xá 303 thành lập năm 1950 để chăm lo sức khoẻ cho cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, có 15 giường bệnh, với 10 nhân viên do BS Nhữ Thế Bảo phụ trách. Năm 1954, bệnh xá tăng lên 30 giường, với 25 nhân viên đóng tại chiến khu Việt Bắc.

Hoà bình lập lại, cơ quan của Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội, bệnh xá 303 chuyển về bệnh viện Đồn Thuỷ. Năm 1955 Trung ương quyết định mở rộng bệnh xá thành bệnh viện 303, có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho các đồng chí Trung ương, thành viên hội đồng Chính phủ, khách nước ngoài và một số cán bộ cơ quan Trung ương. Do nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ ngày một tăng, Trung ương Đảng đã đề nghị Đảng Cộng sản Liên Xô giúp đỡ xây dựng một bệnh viện chuyên bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ. Tháng 5 năm 1956, Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô được khai trương tại địa điểm của bệnh viện 303, với 150 giường bệnh, 50 chuyên gia Liên Xô và 150 cán bộ nhân viên Việt Nam. Bác sĩ DeDog được cử làm giám đốc, Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ làm Phó giám đốc. Cuối năm 1957, chuyên gia Liên Xô rút về nước, Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô được bàn giao cho ta quản lý.

Nghị định 163-NĐ/TTg ngày 28/3/1958 của Thủ tướng Chính phủ hợp nhất Bệnh viện Hồng Thập tự Liên Xô và bệnh viện 303 thành một bệnh viện lấy tên là Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô do Bác sĩ Nhữ Thế Bảo làm Giám đốc. Lúc bấy giờ, Bệnh viện được Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế giao nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khám chữa bệnh cho các cán bộ trung-cao cấp của các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố từ Vĩnh Linh trở ra. Khi mới thành lập Bệnh viện chỉ có 11 khoa phòng, với 175 cán bộ viên chức (trong đó có 15 bác sĩ, dược sĩ).

Từ năm 1958 đến 1962, Bệnh viện có 150 giường bệnh; năm 1963 tăng lên 300 giường; và năm 1968 là 350 giường. Thời kỳ này, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, nên Bệnh viện xây dựng thêm 2 cơ sở sơ tán tại Lập Thạch, Vĩnh Phú và Kim Bôi, Hoà Bình. Số giường tăng lên 470 giường, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ. Cũng trong thời kỳ này, các phòng BVSK TW 2, 3 và 5 ra đời để BVCSSK trực tiếp cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. Năm 1973 các cơ sở sơ tán rút về Hà Nội. Mặc dù phải sơ tán nhiều nơi, hoàn cảnh công tác rất khó khăn, thiếu thốn nhưng Bệnh viện vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước được thống nhất. Đối tượng cán bộ được chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô mở rộng đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, còn phục vụ các đồng chí lãnh đạo của nước bạn Lào, Campuchia, cán bộ đại sứ quán các nước. Từ tháng 3 năm 1976 đối tượng phục vụ có thay đổi, Bệnh viện chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ có mức lương theo qui định; cán bộ miền Trung khám chữa bệnh tại Bệnh viện C, Đà Nẵng. Khu nhà nghỉ Quảng Bá lấy lại cơ sở nên số giường bệnh lúc đó giảm chỉ còn 200 giường, sau đó tăng dần lên 300 giường vào năm 1982 và 410 giường vào năm 1994.

Để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của thời kỳ Đổi mới, ngày 14 tháng 11 năm 1994, Chính phủ đã có quyết định số 6388/TCCB đổi tên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô thành Bệnh viện Hữu Nghị.

Sau 56 năm thành lập, Bệnh viện Hữu Nghị đã được xây dựng khang trang, hiện đại, đến nay đã trở thành bệnh viện đa khoa loại I, hoàn chỉnh, với 25 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng và 8 phòng chức năng, với qui mô 600 giường kế hoạch (775 giường thực kê). Từ một Bệnh viện lúc đầu chỉ có 175 cán bộ nhân viên với 15 bác sỹ, dược sỹ đại học, nay đã trở thành một tập thể lớn mạnh, với hơn 700 cán bộ viên chức, trong đó có gần 200 bác sỹ, dược sỹ đại học. Trình độ chuyên môn của đội ngũ y-bác sỹ ngày càng được nâng cao, hiện tại Bệnh viện có 5 GS-PGS; 29 TS-BS chuyên khoa cấp 2; 111 Thạc sỹ- BS chuyên khoa cấp 1; 36 điều dưỡng đại học và 22 điều dưỡng cao đẳng. Một số cán bộ chuyên môn của Bệnh viện đã trở thành những chuyên gia hàng đầu của cả nước ở một số chuyên ngành.



Sln đc: 35177 lần